Sâu phao đục bẹ hại lúa
Sâu phao đục bẹ tên khoa học: Nymphula depunctalis thuộc họ: Pyralidae, bộ: Lepidoptera. Chúng là loài gây hại trên cây lúa, thời điểm sinh sống giống như sâu phao nhưng cách gây hại lại giống như sâu đục thân.
Đặc điểm sinh học và hình thái
Vòng đời sâu phao đục bẹ trung bình từ 30 - 46 ngày, được chia ra làm 4 giai đoạn:
Giai đoạn trứng (3-5 ngày): tròn, vàng nhạt, đẻ thành 1 – 2 hàng ở bẹ lá hoặc mặt dưới lá gần mặt nước.
Sâu non (20-30 ngày): xanh trong, đầu vàng nâu, có 5 tuổi, dài khoảng 20mm khi đủ sức.
Nhộng (5-7 ngày): làm tổ ở những ống lá màu nâu ở gần gốc lúa.
Trưởng thành (2-4 ngày): hoạt động vào ban đêm, ưa mùi chua ngọt, thích ánh sáng nhưng yếu.
Thời điểm, điều kiện thuận lợi để sâu phao đục bẹ phát triển và gây hại
Sâu phao đục bẹ thường xuất hiện và gây hại từ giai đoạn cây con đến giai đoạn đẻ nhánh. Khi ruộng ngập nước liên tục hoặc ruộng cấy mạ non là điều kiện để sâu phao đục bẹ phát triển và gây hại nặng.
Triệu chứng và tác hại
Sâu phao đục bẹ gây hại lúa ở giai đoạn ấu trùng, cắn lá lúa non thành từng đoạn, rồi cuộn lại sống trong ống lá rơi xuống mặt nước được gọi là sâu “phao”. Sâu non tuổi 1 – 2 gặm bề mặt lá, rồi ăn khuyết từng miếng nhỏ, từ tuổi 3 trở đi có thể cắn đứt hẳn lá, dảnh mạ, lúa. Sâu thường ăn vào ban đêm, đối với những ngày trời râm mát, mưa phùn sâu có thể phá cả ngày.
Cách phòng trị
Để phòng trị sâu phao đục bẹ hiệu quả trên đồng ruộng, bà con cần thường xuyên thăm đồng, hạn chế sạ quá dày hoặc bón thừa phân đạm, khi thấy bướm rộ một tuần sau sâu non sẽ nở rộ.
Áp dụng thuốc hóa học khi thấy triệu chứng trên bẹ lúa, cần kết hợp rút nước cạn, phun thuốc xong vài ngày mới cho nước từ từ vào ruộng. Bà con nên dùng Remy 65EC (hoạt chất Emamectin Benzoate) pha 25ml cho bình 25 lít nước hoặc Oxatin 6.5EC (hoạt chất Abamectin) pha 5 - 6ml cho bình 25 lít nước để diệt trừ sâu phao đục bẹ hại lúa.
Công ty TNHH Sustainable Development S.U.D - Phát triển bền vững