NGỘ ĐỘC PHÈN TRÊN CÂY LÚA - NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP
ĐẤT PHÈN LÀ GÌ?
Đất phèn là loại đất chứa các hợp chất sinh phèn, đặc biệt là sulphat sắt và nhôm, với độ pH dưới 4, Khi quan sát màu nước ở các gốc ruộng hoặc quanh bờ, mặt nước có váng màu đỏ thì đó do phèn sắt gây ra là chủ yếu, hay còn gọi là phèn nóng. Còn ở những ruộng mặt nước trong xanh, đất quanh bờ có màu xám ít thấy cỏ mọc hoặc chỉ thấy có cỏ năn mọc lác đác từng chòm thì ruộng đó nghiêng về phèn nhôm, hay còn gọi là phèn lạnh.
Cây lúa thường rất mẫn cảm đối với phèn, đặc biệt là từ giai đoạn mạ đến khoảng 30 ngày sau khi gieo sạ. Ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), các loại đất giàu phèn chủ yếu tập trung ở các vùng: Khu vực Tứ Giác Long Xuyên – Hà Tiên, Vùng Đồng Tháp Mười, Khu vực phèn ở phía Tây sông Hậu và các địa điểm thấp trũng giữa sông Tiền và sông Hậu, Vùng đất mặn chứa phèn tại Bán Đảo Cà Mau và khu vực ven biển Vịnh Thái Lan.
CÁCH NHẬN BIẾT VÀ TÁC HẠI KHI CÂY LÚA BỊ NGỘ ĐỘC PHÈN
Khi bị ngộ độc phèn, cây lúa có màu hơi vàng, xuất hiện đốm màu nâu trên lá già và sau đó lá chuyển sang tình trạng màu nâu, bầm tím hoặc cam. Trong trường hợp nặng, toàn bộ cây lúa có thể trở thành màu nâu, lá già rụi nhanh chóng, cây suy yếu và chết dần. Đồng thời, cây lúa cũng có thể phát triển kém, lùn và nở bụi không đạt được mức mong đợi.
Khi lúa trổ, bông lúa nhỏ. Lúc lúa vào chắc, trên bông xuất hiện nhiều hạt lép, đặc biệt là các hạt trong cậy.
Khi ruộng lúa bị xì phèn, bệnh đốm nâu phát triển mạnh trên lá lúa của ruộng bị xì phèn. Nhổ rễ lên, rửa sạch rễ, thấy rễ có màu nâu đậm và xoắn lại, rễ ngã màu vàng và xù xì, nếu vuốt dưới ngón tay sẽ cảm thấy nhám.
BIỆN PHÁP KHÁC PHỤC NGỘ ĐỘC PHÈN
Phèn có khả năng hòa tan trong nước, do đó, việc sử dụng nước (như nước mưa hoặc nước sông) là một cách để loại bỏ phèn. Dưới đây là một số phương pháp rửa phèn và xử lý vấn đề ngộ độc phèn cho bà con tham khảo.
Biện pháp ngừa xì phèn
Trước khi vào vụ mới, thực hiện quy trình rửa phèn trên đất. Cày ải và cho nước lên ruộng, để nước trong một đêm. Ngày tiếp theo, hãy tháo cạn nước và tiến hành làm đất. Nếu đất chứa nhiều phèn, quá trình rửa phèn có thể cần được thực hiện hai hoặc ba lần trước khi bắt đầu vụ mới.
Cách xử lý khi đất bị xì phèn
Nếu phát hiện lúa bị ngộ độc phèn, cần tiến hành loại bỏ ngay. Trường hợp có nguồn nước sẵn trên ruộng, hãy tháo nước ra để ruộng khô nứt châm chim, sau đó thay nước mới. Ngược lại, nếu không có nước trong ruộng, cần bơm nước để ngập đất và sau đó tháo nước ra.
Khi đất bị phèn nặng, ngoài việc xả phèn cần áp dụng thêm phương pháp rải vôi bột, với lượng vôi khoảng từ 20 đến 50 kg mỗi công (tùy thuộc vào mức độ ô nhiễm phèn).
Ngoài ra, cần phun xịt phân bón lá chứa các thành phần dinh dưỡng NPK và vi lượng để đảm bảo cây lúa phục hồi nhanh chóng. Khi quan sát thấy rễ cây lúa phát triển mạnh, thường sau khoảng 3-5 ngày, có thể tiến hành nhổ cây lên để kiểm tra. Nếu rễ cây lúa đã phục hồi (rễ trắng ra nhiều) đó là dấu hiệu tích cực.
Chú ý rằng khi cây lúa bị ngộ độc phèn, không nên sử dụng phân Urê hoặc NPK để bón, bởi vì rễ lúa đã bị suy yếu hoặc hư hại, không thể hấp thụ được dinh dưỡng từ đất. Thay vào đó, nên tập trung vào việc sử dụng phân bón lá để cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa.
Công ty TNHH Sustainable Development S.U.D - Phát triển bền vững