Muỗi hành (sâu năn) hại lúa
Muỗi hành có tên khoa học là Orselia oryzae, bộ Diptera, họ Cecidomyiidae, gây hại tại nhiều nước trồng lúa ở châu Á, gây thất thoát năng suất cho cây trồng có thể đến 50%.
Đặc điểm sinh học và hình thái muỗi hành
Vòng đời muỗi hành từ 26 – 35 ngày, được chia làm 4 giai đoạn:
Trứng (3 - 5 ngày): hình bầu dục, rất nhỏ chỉ khoảng 0,4 -0,5mm được đẻ thành từng cái riêng biệt ở mặt dưới lá, gần chân phiến lá. Trứng mới đẻ có màu trắng bóng, sắp nở chuyển sang màu đỏ tím bóng.
Ấu trùng (13 - 15 ngày): có 3 - 4 tuổi, là giai đoạn gây hại của muỗi hành. Mới nở dài khoảng 1mm, lớn đủ sức dài khoảng 3mm, màu hồng nhạt.
Nhộng (6 - 8 ngày): dài từ 2-3 mm màu hồng nhạt khi mới hình thành và chuyển sang hồng đậm khi sắp vũ hóa.
Thành trùng cái (2- 5 ngày): dài từ 3-5mm, sải cánh rộng 8,5 -9 mm, bụng màu đỏ, đẻ từ 100-200 trứng. Thành trùng đực(1 - 2 ngày): nhỏ hơn và có màu vàng nâu.
Đầu rất nhỏ, hầu như bị mắt kép có màu đen che hết. Râu đầu màu vàng dạng chuỗi hạt. Chân dài màu nâu đậm.
Thời điểm và điều kiện thuận lợi để muỗi hành phát triển và gây hại
Muỗi hành xuất hiện và gây hại quanh năm, chủ yếu từ giai đoạn mạ đến cuối đẻ nhánh.
Khi thời tiết sương mù và trời có mây âm u, nhiệt độ 26 - 300C, ẩm độ 85 - 95% là điều kiện thời tiết lý tưởng cho muỗi hành phát triển. Ngoài ra, ruộng có sự xuất hiện của các cây ký chủ phụ như lúa hoang, lúa chét, cỏ bắt, cỏ ống, cỏ lồng vực, cỏ lông tây và bón phân mất cân đối là cũng là điều kiện thuận lợi cho muỗi hành phát triển và gây hại mạnh.
Triệu chứng và tác hại
Triệu chứng để nhận diện cây lúa bị muỗi hành gây hại là cây lúa bị lùn, đâm rất nhiều chồi, phần thân hơi cứng, chiều ngang thân lúa nở to dần theo sự tăng trưởng của ấu trùng bên trong, lá xanh thẫm dựng đứng, nhiều lá bị se lại như cọng hành.
Muỗi tấn công cây lúa từ giai đoạn mạ đến cuối đẻ nhánh. Ấu trùng mới nở chui qua bẹ lá đục vào đỉnh sinh trưởng của lúa để chích hút. Lúc này, ấu trùng đồng thời tiết ra một chất khiến bẹ của chiếc lá non nhất mọc dài ra thành ống tròn màu xanh lá hơi nhạt, phần phiến lá cuộn thành mảnh nhỏ ở đầu ống, ấu trùng sống trong đó. Khoảng 1 tuần sau khi muỗi xâm nhập, ống lúa sẽ mọc dài ra và tròn giống như cọng hành. Lúc này, ấu trùng sắp hóa nhộng, chúng bò lên ngọn lá hành đục một lỗ nhỏ nằm chờ hóa muỗi chui ra ngoài để tiếp tục vòng đời gây hại cho lúa. Khi đã chui ra, chúng sẽ để lại vỏ nhộng dính trên ống hành.
Những bẹ lá lúa đã bị sâu năn chích hút và biến dạng thành ống tuy không chết đi nhưng cũng không thể trổ bông được. Để bù lại, cây lúa sẽ đâm thêm nhiều chồi mới, những chồi mới này hầu như không có khả năng trổ bông.
Cách phòng trị
Phòng trừ muỗi hành bằng cách vệ sinh đồng ruộng, diệt sạch cỏ dại, cỏ bờ, không sạ, cấy dày. Bón đầy đủ, cân đối NPK, không bón thừa đạm giai đoạn đẻ nhánh. Thăm đồng thường xuyên, nếu có muỗi hành, có thể tháo nước phơi ruộng để hạn chế lây lan, phun thuốc ngay khi muỗi ra rộ. Bà con có thể sử dụng Oxatin 6.5EC pha 5-6ml cho bình 25 lít hoặc Proxim 25EC pha 25ml cho bình 25 lít để phòng trừ muỗi hành hại lúa.
Công ty TNHH Sustainable Development S.U.D - Phát triển bền vững