Trang chủ / Blog / CÂY LÚA THỜI KỲ LÀM ĐÒNG, TRỔ THOÁT (40 - 60 NGÀY SAU SẠ)

CÂY LÚA THỜI KỲ LÀM ĐÒNG, TRỔ THOÁT (40 - 60 NGÀY SAU SẠ)


Làm đòng, trổ thoát là giai đoạn vô cùng quan trọng đối với cây lúa, quyết định đến năng suất của vụ. Ở giai đoạn này cây lúa bước vào thời kỳ sinh sản cần cung cấp nhiều dinh dưỡng và nước để nuôi đòng. Bên cạnh đó, giai đoạn này xuất hiện nhiều loại sâu bệnh gây hại nghiêm trọng có khả năng làm giảm năng suất nếu không được phòng trừ kịp thời. Sau đây, S.U.D xin gửi đến bà con nông dân một số biện pháp chăm sóc lúa giai đoạn làm đòng, trổ bông hiệu quả giúp tăng năng suất và tiết kiệm chi phí.

QUẢN LÝ NƯỚC

Cùng với giai đoạn đẻ nhánh, giai đoạn tượng đòng, làm đòng đến trổ thoát là giai đoạn cây lúa cần nhiều nước nhất chiếm 33% tổng nhu cầu của cây. Thiếu nước trọng giai đoạn này sẽ làm giảm năng suất đến 50 - 60%.

Giai đoạn lúa tượng đòng đến làm đòng (40 - 45 ngày sau sạ) bà con cho nước vào ruộng, điều chỉnh mực nước khoảng 3 - 5cm.

quản lý nước giai đoạn làm đòng

Từ khi bắt đầu trổ cho đến khi trổ đều, cây lúa cần rất nhiều nước. Thời gian này cần điều chỉnh mực nước trong ruộng luôn ngập từ 5 – 7cm. Không nên cho mực nước quá cao (trên 7cm) ruộng lúa có nguy cơ xuất hiện sâu bệnh tấn công và có thể bị thối đòng.

BÓN PHÂN

Bón phân đón đòng là vô cùng quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lúa. Để lúa có năng suất cao bà con cần lựa chọn thời điểm, liều lượng, loại phân phù hợp để bón phân cho ruộng lúa.

Xác định thời điểm bón phân: 

Căn cứ vào thời gian sinh trưởng và số ngày gieo sạ (chỉ đúng khi điều kiện thời tiết thuận lợi và kỹ thuật canh tác đồng bộ): Thời điểm bón phân được xác định bằng cách lấy thời gian sinh trưởng của cây lúa trừ đi 50 ngày. Ví dụ giống lúa có thời gian sinh trưởng 95 ngày thì thời gian bón phân sẽ là 95 trừ 50 bằng 45 ngày sau sạ. Đối với điều kiện thời tiết không thuận lợi và kỹ thuật canh tác kém cần phải kết hợp thêm 2 yếu tố khác.
Căn cứ vào hình thái cây lúa: bà con thăm đồng thường xuyên, quan sát mắt lá đòng để bón phân đúng thời điểm. Mắt lá đòng còn chìm trong bẹ lá kề nó thì chưa đến giai đoạn bón phân. Mắt lá đòng trùng với mắt lá kề bên nó thì đến giai đoạn bón phân đón đòng. Khi mắt lá đòng cao hơn mắt lá kề bên nó thì quá giai đoạn bón phân đón đòng.Ngoài ra khi bà con thấy cây lúa có sự biến đổi rõ rệt như tròn khóm, thân cứng, các lá đứng, chóp lá lúa thắt eo, ruộng lúa ngả màu vàng chanh là lúc bón phân đón đòng. 
Căn cứ vào trạng thái đòng: bóc dảnh cái của cây lúa thấy 2.5 đốt, đòng dài 1 li (1mm) thì bón phân đón đòng ở giai đoạn này là chính xác.
Đòng đòng, tim đèn, lúa làm đòng

Việc bón phân đúng thời điểm nhằm cung cấp kịp thời dinh dưỡng cho quá trình phân hóa, phân chia gié và hoa lúa, quyết định đến năng suất và số lượng hạt lúa trên bông. Bón quá sớm làm tăng số chồi vô hiệu cạnh tranh nhiều dinh dưỡng và làm tăng sâu bệnh hại trên lúa. Bón phân quá muộn chỉ có tác dụng nuôi đòng, cây lúa không thể thêm được hạt và gié hoa.

Liều lượng và loại phân:

Nhu cầu dinh dưỡng của cây lúa giai đoạn tượng đòng đến trổ chiếm khoản 30 - 40% tổng nhu cầu cả vụ. Trong thời kỳ này nếu cây lúa thiếu đạm thì số gié và số bông ít dẫn đến giảm năng suất lúa. Trước khi trổ bông nếu bón quá nhiều đạm bệnh đạo ôn cổ bông sẽ phát triển nặng.

Việc bón phân trong giai đoạn này bà con có thể chia làm hai khoản thời gian:

Giai đoạn lúa tượng đòng đến làm đòng (40 - 45 ngày sau sạ) bà con có thể bón 50kg Ure + 30kg Kali cho 1ha.

Giai đoạn nuôi hạt (55 - 70 ngày sau sạ) bà con có thể bón bổ sung phân bón lá để tăng cường dinh dưỡng cho cây lúa nuôi hạt.

SÂU HẠI

Giai đoạn làm đòng trổ thoát là giai đoạn quan trọng ảnh hưởng đến năng suất lúa cuối vụ, giai đoạn này cây lúa vô cùng nhạy cảm với điều kiện thời tiết bất lợi và dễ bị nhiều loại sâu hại tấn công. Các loại sâu hại thường tấn công lúa trong giai đoạn này là: rầy nâu, nhện gié, sâu cuốn lá, sâu đục thân, sâu phao, muỗi hành,... bà con cần thăm đồng thường xuyên kết hợp phun phòng một số loại thuốc để phòng trừ sâu hại.

BỆNH HẠI

Vì đây là thời kỳ tạo dựng hạt lúa mà lại vô cùng nhạy cảm với điều kiện môi trường cũng như rất thu hút các loại dịch hại. Do đó, nếu nhà nông lơ là trong khâu chăm sóc có thể thất thu trầm trọng. Trong số các dịch hại gây ảnh hưởng tiêu cực đến lúa đòng trổ thì bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, khô vằn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn là đối tượng được nhắc đến thường xuyên. Bà con cần chủ động đối phó với bệnh để bảo vệ năng suất, cần thăm đồng thường xuyên và phun một số loại thuốc để phòng trị bệnh.


Công ty TNHH Sustainable Development S.U.D - Phát triển bền vững