Bệnh khô vằn hại lúa
Bệnh khô vằn có tên khoa học là Rhizoctonia solani Kuhn, tên khác đốm vằn, ung thư. Là bệnh thường gặp trên cây lúa.
Thời điểm và điều kiện thuận lợi để bệnh Khô vằn phát triển và gây hại
Bệnh thường xảy ra vào giai đoạn lúa đẻ nhánh tối đa đến làm đòng và trổ. Nấm gây bệnh âm thầm phát triển ở bẹ lá tiếp giáp mực nước, dần phát triển lên lá đòng.
Bệnh thường xảy ra trong điều kiện thời tiết nóng, ẩm, ít ánh sáng, nhiệt độ (24-320C) và độ ẩm cao, lượng mưa cao thì bệnh phát sinh phát triển mạnh, tốc độ lây lan nhanh.
Bệnh thường phát sinh trước tiên ở các bẹ và lá già sát mặt nước hoặc ở dưới gốc. Tốc độ lây lan lên các lá phía trên phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết mưa nhiều, lượng nước trên đồng ruộng cao, đặc biệt ở các ruộng nhiều nước, gieo sạ quá dày.
Cách nhận biết
Bệnh khô vằn gây hại chủ yếu ở bẹ lá, phiến lá và cổ bông.Lúa mới nhiễm nấm có biểu hiện ở bẹ lá giáp mực nước, vết bệnh có dạng đốm loang lổ như da beo, màu xanh xám, viền nâu, sũng nước; dần dần đốm bệnh ăn sâu vào bẹ lá làm bẹ lá vàng, khô và chết dần; nấm còn ăn lan lên trên cho tới lá đòng.
Quan sát trên vết bệnh già thấy có những hạch nấm nhỏ màu nâu xám, cứng. Đây là những hạch khuẩn, các hạch khuẩn này sau đó sẽ rụng, rơi xuống nước lây lan qua bụi lúa bên cạnh hoặc nằm dưới đất, trong rơm rạ, tàn dư thực vật là nguồn lây lan bệnh chủ yếu.
Tác hại
Bệnh thường xảy ra thành từng chòm trên những thửa ruộng, nhất là ở những diện tích lúa mọc quá dày hay quá tốt.
Khi bệnh năng, nấm bệnh ăn tới lá đòng thì năng suất có thể giảm tới 50%, hạt không đẹp, lúa bị lép, lửng, khi xay dễ bể.
Bệnh cũng gây hại ở giai đoạn đòng trổ, làm cho bông lúa không thoát được, hạt lúa bị lem, lép đen.
Cách phòng trị
Bố trí mật độ vừa phải: Tùy theo đặc điểm giống, dinh dưỡng trong ruộng, thời tiết… cần bố trí mật độ sao cho đến giữa vụ ruộng lúa không um tùm rậm rạp. Đây là một điều kiện rất quan trọng vì sạ dày là yếu tố chính làm cho bệnh phát sinh gây hại mạnh ngay từ giai đoạn lúa đẻ.
Bón phân cân đối: Bón phân hóa học cho lúa không nên bón thừa đạm. Nông dân cần căn cứ vào lượng mưa nhất là giai đoạn lúa đứng cái làm đòng mà cân đối đạm và kali sao cho thích hợp. Kali có tác dụng kìm hãm nấm khô vằn phát triển nên giai đoạn thúc đòng cần tăng cường kali cho lúa nhất là lúa cao sản. Nên bổ sung thêm phân vi lượng bón qua lá cho lúa lúc này.
Không nên để mực nước quá cao trong ruộng sẽ tạo độ ẩm thuận lợi cho nấm khô vằn nếu có phát triển mạnh thêm.
Bà con nên sử dụng thuốc hóa học để phun trừ bệnh mang lại hiệu quả cao khi vết bệnh chưa lan lên lá (nấm mới gây hại ở bẹ lá) và thuốc được tiếp xúc với tầng lá dưới của cây. Vì vậy cần tiến hành phun ngay khi cây chớm bị bệnh. Khi phun cần rễ lối đưa vòi phun vào gốc lúa mới đạt hiệu quả cao. Cần bổ sung thêm vào mỗi bình phun từ 30 - 50g kali trắng sẽ tăng thêm hiệu lực trừ bệnh và phun thuốc lên cả bờ cỏ xung quanh ruộng (nấm khô vằn gây hại cả cỏ).
Công ty TNHH Sustainable Development S.U.D - Phát triển bền vững