CHĂM SÓC LÚA THỜI KỲ CÂY CON (TỪ 0 - 20 NGÀY SAU SẠ)
Trong giai đoạn cây con, lúa rất yếu dễ bị dịch hại tấn công, vì vậy trong giai đoạn này cây lúa cần được chăm sóc kỹ lưỡng và quản lý tốt các đối tượng dịch hại, nhằm giúp chúng phát triển khỏe mạnh, đủ khả năng chống chọi với sự khắc nghiệt của các điều kiện tự nhiên. Sau đây, S.U.D xin chia sẻ với bà con một số biện pháp chăm sóc và biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa giai đoạn cây con (từ 0 - 20 ngày sau khi sạ).
DẶM LÚASau khi lúa đã được gieo sạ (cấy), những khu vực trong ruộng có thể trống trải do các nguyên nhân như ngập nước, ốc ăn hoặc sự phá hại của động vật. Để đảm bảo mật độ lúa đồng đều, bà con nông dân thực hiện biện pháp gọi là "dặm lúa", cây lúa được chọn có tuổi tương đương và sử dụng giống lúa cùng loại để dặm vào những diện tích trống đó.
Dặm lúa giúp phân bổ lại mật độ cây lúa phù hợp, tránh tình trạng cạnh tranh dinh dưỡng giữa các cây lúa ở nơi có mật độ cao từ đó gia tăng năng suất.
QUẢN LÝ NƯỚC
Nhu cầu nước của cây lúa ở giai đoạn nảy mầm (2 - 3 ngày sau sạ)Sau khi gieo sạ 2 - 3 ngày ruộng lúa chỉ cần độ ẩm bảo hòa, không cần ngập nước, nếu để ngập nước sẽ ảnh hưởng đến sự mọc mầm của hạt lúa, nghiêm trọng có thể khiến hạt không mọc mầm.
Nhu cầu nước của cây lúa ở giai đoạn 5 - 20 ngày sau sạ
Sau gieo sạ 5 - 7 ngày cây lúa cần lớp nước mỏng, không được để ruộng bị khô sẽ ảnh hưởng đến rễ lúa
Phải luôn duy trì mực nước săm sắp trên ruộng cho đến khi cây lúa được 20 ngày sau sạ
Đối với lúa cấy sau 5 - 7 ngày cần điều chỉnh mực nước săm sắp giống với ruộng gieo sạ.
XỬ LÝ CỎ
Điều chỉnh nước để quản lý cỏ dại
Điều chỉnh lượng nước hợp lý trên đồng ruộng, giữ mực nước săm sắp ngập mặt ruộng để khống chế cỏ dại không mọc mầm.
Nhổ cỏ bằng tay
Dùng tay nhổ cỏ đã mọc mầm đang phát trên ruộng lúa, cỏ dại sau khi nhổ có thể đem ra khỏi ruộng để tiêu hủy.
Sử dụng thuốc trừ cỏ
Sử dụng thuốc cỏ tiền nảy mầm: Sau khi gieo sạ (cấy) 1 - 4 ngày nếu trên ruộng lúa xuất hiện cỏ bà con có thể sử dụng thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm để phun, sau 2 - 3 ngày cho nước vào ngập mặt ruộng để hạn chế cỏ dại.
Sử dụng thuốc cỏ hậu nảy mầm: sau khi sử dụng thuốc cỏ 7 - 20 ngày sau sạ mà trên ruộng vẫn xuất hiện cỏ dại, bà con có thể sử dụng thuốc cỏ hậu nảy mầm để phun cho ruộng lúa, sau khi phun 2 - 3 ngày cho nước ngập hết mặt ruộng để tiêu diệt triệt để cỏ.
* Lưu ý: sau khi sạ nếu thời tiết thuận lợi có thể dùng thuốc cỏ tiền nảy mầm để phun, nhưng nếu thời tiết không thuận lợi gặp mưa, rét thì bà con không nên sử dụng thuốc tiền nảy mầm mà đợi khi thời tiết tốt hơn rồi sử dụng thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm để diệt cỏ sẽ an toàn và tốt hơn.
Thời điểm thích hợp để sử dụng thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm: nên sử dụng thuốc cỏ sớm ngay khi khi sạ hoặc sau sạ 1 ngày.
Thời điểm thích hợp để sử dụng thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm: sử dụng thuốc khi cỏ có 2 lá thật từ 7 - 12 ngày sau sạ. Việc phun sớm hơn cỏ sẽ không chết và muộn hơn thuốc sẽ cho hiệu quả thấp hơn.
* Lợi ích: việc diệt cỏ sớm có thể tránh tình trạng cạnh tranh dinh dưỡng của cỏ đối với lúa, tạo điều kiện giúp cây lúa phát triển nhanh, khỏe mạnh ngay từ đầu.
BÓN PHÂN
Sau sạ, cây lúa sống tự dưỡng (sử dụng dinh dưỡng trong hạt), vì vậy sau khi sạ 10 - 12 ngày cần cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa để phát triển nhanh, mạnh bộ lá và rễ.
Bón 3 - 4kg ure + 2 - 3kg kali giúp tiết kiệm phân bón, cây lúa sinh trưởng khỏe, chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh bất lợi và sâu bệnh hại.
PHÒNG TRỪ ỐC BƯƠU VÀNG
Để giảm thiểu tác động của ốc bươu vàng (một loại gây hại nguy hiểm và khó kiểm soát) ở giai đoạn đầu sau khi sạ lúa, cần triển khai một loạt biện pháp phòng trừ tổng hợp:
Biện pháp canh tác:
Làm ruộng phẳng và luân phiên tháo nước để hạn chế ốc bươu vàng di chuyển. Ở những vùng có mật độ ốc bươu vàng cao, khi gieo sạ bà con cần tăng mật độ lên 5 - 10% để trừ hao ốc bươu vàng cắn phá, nếu ruộng cấy thì nên chọn mạ già hơn một chút và cấy nhiều tép.
Biện pháp thủ công:
Bắt ốc bằng tay, có thể dùng sơ mít để dẫn dụ ốc, khi ốc bám nhiều bà con bắt ốc bỏ vào bao đem đi tiêu hủy hoặc làm thức ăn cho gia súc.
Diệt trứng ốc: sau khi ốc đẻ trứng, bà con tiến hành thu gôm trứng ốc đem đi tiêu huy hoặc để trứng ốc ngập nước, trứng sẽ bị hư không nở được. Thường xuyên bắt ốc và tiêu hủy trứng ốc giúp hạn chế số lượng ốc trên đồng ruộng.
Biện pháp sinh học:
Có thể kết hợp mô hình lúa - cá (các loại cá như: cá trắm cỏ, cá chép) để cá ăn ốc con và giúp tạo thêm nguồn thu nhập cho bà con nông dân. Nhược điểm của mô hình này là việc phòng trừ ốc không cao.
Ngoài ra, sau khi thu hoạch lúa bà con cho nước vào và thả vịt ra ruộng để vịt ăn ốc giảm lượng ốc cho vụ sản xuất tiếp theo.
Biện pháp hóa học:
Ưu điểm của thuốc hóa học là khả năng diệt trừ ốc nhanh, kịp thời. Tuy nhiêu, phương pháp này rất độc với môi trường và ảnh hưởng đến các loài động vật khác đặc biệt là cá.
BỆNH HẠI
Giai đoạn đầu sau khi gieo sạ cây lúa rất yếu dễ bị nhiều loại bệnh tấn công, bà con cần thăm đồng thường xuyên để phát hiện và phòng trị bệnh ngay từ đầu. Sau đây là một số loại bệnh thường gặp giai đoạn đầu của cây lúa: thối rễ (ngộ độc hữu cơ), đạo ôn, bạc lá, thối thân,...
SÂU HẠI
Trong giai đoạn cây con, nếu không được chăm sóc đúng cách hoặc chịu ảnh hưởng bởi các điều kiện thời tiết bất lợi, cây lúa dễ bị tấn công bởi nhiều sâu hại như: sâu keo, ruồi đục lá, rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu phao, bọ trĩ,... nếu không có biện pháp phòng trị kịp thời có thể gây tổn thương nặng dẫn đến tình trạng phát triển chậm của cây hoặc thậm chí làm chết cây.
Công ty TNHH Sustainable Development S.U.D - Phát triển bền vững